KỸ THUẬT TRỒNG RAU MẦM

  1. Đặc điểm:

Rau mầm là loại cây non mới mọc mầm sống không cần đất. Chúng lấy dinh dưỡng từ hạt để nảy mầm và tạo ra hai lá nhỏ trước khi cần ánh sáng mặt trời và đất để phát triển. Rau mầm rất non, mềm, khá mọng nước và được sử dụng toàn thân, bao gồm cả rễ, thân, lá. Chúng có vị ngọt hoặc cay nồng tùy theo từng giống rau khác nhau.

  1. Thời vụ:

Rau mầm có thể trồng quanh năm.

  1. Đất trồng:

Tùy điều kiện mà lựa chọn giá thể cho thuận tiện. Một số loại giá thể có thể sử dụng như mùn dừa, đất nung, khăn giấy, cát, tro trấu,… trong đó giá  thể  mùn  dừa đã qua xử lý theo nghiên cứu là điều kiện tốt nhất để cây mầm phát triển-c chưa rõ thông tin này có chính xác không?. Ngoài ra giá thể mùn dừa cũng được sử dụng nhiều vì nó tiện dụng, rẻ và nhẹ nên chi phí vận chuyển thấp.

  1. Ngâm ủ:
  • Rửa hạt giống với nước để sạch bụi bẩn.
  • Ngâm hạt trong nước 2 sôi 3 lạnh (nước ấm 40oC). Tùy vào từng loại hạt mà thời gian ngâm sẽ khác nhau (các loại cải mầm ngâm 3-4h, mầm đậu hà lan ngâm 5-6h, rau muống mầm ngâm 20-24h).
  • Sau khi ngâm xong các bạn rửa sạch, vớt ra để ráo và nhặt bỏ những hạt hư hoặc bị bể vì chính những hạt này ảnh hưởng đến những hạt mầm khác phát triển.

Bảng tham khảo của một số loại hạt:

STT Loại mầm Thời gian ngâm Thời gian thu hoạch
1 Mầm thảo dược 3-4 h 5-6 ngày
2 Mầm củ cải đỏ 3-4 h 5-6 ngày
3 Mầm củ cải trắng 3-4 h 5-6 ngày
4 Mầm bông cải xanh
Mầm cải ngọt
Gieo trực tiếp 5-6 ngày
5 Mầm củ cải Malady 3-4 h 5-6 ngày
6 Mầm hướng dương 2-3 h 7-8 ngày
7 Mầm đậu hà lan 5-6 h 8-10 ngày
8 Mầm lúa mạch 3-4 h 8-10 ngày
9 Mầm rau muống 20-24 h 7-8 ngày
10 Giá đỗ 8-10h 3-4 ngày
  1. Gieo hạt:
  • Ngoài khay chuyên dụng có thể thay thế bằng các khay xốp, rổ, thau, chậu nhựa, độ sâu của khay khoảng 5cm, không cần quá sâu vì thu hoạch sẽ khó.
  • Mùn dừa sau khi mua về làm tơi và trải đều trên khay sao cho độ dày của lớp mùn dừa khoảng 2-3 cm, lớp mùn dừa mỏng vừa đủ để làm chỗ bám cho rễ cây phát triển vừa giúp tiết kiệm được giá thể gieo trồng. Dùng tay ấn nhẹ mùn dừa để tạo độ nén, giữ ẩm cho giá thể.
  • Gieo 1 lớp mỏng sao cho hạt sát nhau nhưng không chồng lên nhau, sau đó dùng bình phun tưới ước đều trên hạt và giá thể trồng. Đối với mầm hướng dương, mầm rau muống nên phủ phía trên mặt 1 lớp mùn dừa để hạt được giữ ẩm tốt giúp nảy mầm nhanh và đều hơn.
  • Dùng bìa catton hoặc bao nilon đen che lại tạo môi trường thuận lợi để hạt nảy mầm và phát triển tốt.
  1. Mật độ và khoảng cách:

Hạt được gieo thành 1 lớp mỏng và sát nhau, tùy kích thước hạt mà khối lượng hạt giống cần dùng khác nhau.

STT LOẠI GIỐNG KL HẠT/M2(gram)
1 Mầm củ cải trắng 450-470
2 Mầm củ cải đỏ 300-350
3 Mầm thảo dược Methi 500-550
4 Mầm bông cải xanh 200-250
5 Mầm Malady 300-350
6 Mầm hướng dương 500-550
7 Mầm đậu Hà Lan 1.000-1.100
8 Mầm rau muống 900-1.000
9 Mầm lúa mạch 800-900
10 ….

  1. Chăm sóc:
  • Bón Phân: Rau mầm không cần phân bón vì dinh dưỡng tích trữ trong hạt đủ nuôi cây đến khi thu hoạch.
  • Tưới nước:
  • Giai đoạn đầu (1-2 ngày sau gieo) cây không cần nhiều nước và lượng bốc thoát hơi nước cũng ít nên chúng ta có thể tưới bằng bình phun, tưới ngày 1 lần nếu thấy bề mặt hạt và giá thể bị khô.
  • Sau gieo 36-48h, khi hạt đã nảy mầm đều và cây sẽ bắt đầu lớn nhanh nên chúng ta gỡ tấm bìa catton ra, chuyển cây ra nơi thoáng mát, có ánh sáng vừa (như ánh sáng phòng đọc sách là được), không để ở nơi có ánh nắng và mưa trực tiếp. Giai đoạn này cần tưới nước thường xuyên cho cây ngày 2 lần (sáng sớm và chiều mát) đối với ngày nắng, những ngày trời mát hoặc mưa thì chỉ nên tưới 1 lần nếu giá thể trồng bị khô.

Chú ý: Nếu tưới nhiều nước cây sẽ dễ bị nấm bệnh, còn thiếu nước cây sẽ phát triển chậm và có thể héo. Nguồn nước phải đảm bảo sạch, không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn hay nhiễm khuẩn.

  1. Phòng trừ sâu bệnh hại:

* Các bệnh thường xuất hiện trên rau mầm như:

– Thối rễ, thối thân, lỡ cổ rễ do nấm gây bệnh như Pythium, Phytophthora, Rhizoctonia, Cylindrocladium, Armillaria, Sclerotium, Rhizoctonia, Scleortinia, Fusarium, Aspegillus niger và nhiều loại khác.

– Thối nhũn do vi khuẩn Erwinia carotovora mô bệnh có mùi hôi khó chịu, phần lá của cây bị héo rũ, cụp xuống để lộ rõ gốc và thối nhanh chóng. Trên mô bệnh và thân cây dính dịch vi khuẩn màu vàng xám.

* Biện pháp hạn chế sự phát sinh, phát triển của nấm bệnh:

  • Khay trồng sau thu hoạch phải vệ sinh sạch sẽ, phơi nắng để diệt mầm bệnh. Mua hạt giống chuyên dùng trồng rau mầm của các công ty có uy tín (không có thuốc bảo quản).
  • Trong quá trình ngâm ủ hạt giống nên sử dụng nước ấm, loại bỏ các hạt lép, hạt hư và các tạp chất.
  • Nước dùng để tưới cho rau mầm phải là nước sạch, đã qua xử lý. Không sử dụng nguồn nước kênh mương, nguồn nước có nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Điều chỉnh ánh sáng, lượng nước tưới để tạo ẩm độ thích hợp. Giá thể trồng rau mầm phải là loại đất trồng sạch, đã được xử lý kỹ. Giá thể không nên trồng nhiều lần. Sau mỗi lần trồng có thể tái sử dụng bằng cách xới lên, nhặt gốc cây còn sót, đem ủ lại.
  • Khi phát hiện rau mầm có phát sinh bệnh, không được dùng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Biện pháp xử lý duy nhất là hạn chế tưới nước, vét các chỗ bị bệnh ra khỏi khay, cách ly những khay bị bệnh ra khỏi khu vực sản xuất để tránh lây lan
  1. Thu hoạch:

Sau 5 ngày cải mầm có thể thu hoạch được. Đối với mầm lúa mạch, mầm rau muống, mầm đậu hà lan thời gian dài hơn khoảng 8-10 ngày. Khi thu hoạch dùng dao hoặc kéo thật sắc cắt sát phần gốc của rau mầm.

Rau mầm khi thu hoạch nên sử dụng ngay để giữ được độ tươi, ngon cũng như các dưỡng chất. Tuy nhiên, trong sản xuất để bảo quản rau mầm được lâu hơn chúng ta nên xếp ngay ngắn rau mầm vào khay hoặc hộp, lót 1 miếng giấy thấm vào gốc rau mầm để tránh thối nhũn gốc đồng thời tăng thời gian bảo quản rau.

Lưu ý: Trước thu hoạch nên giảm lượng nước đồng thời không rửa rau sau khi cắt nhầm bảo quản rau mầm được lâu hơn.

.

Leave a Reply

Your email address will not be published.