KỸ THUẬT SẢN XUẤT VÀ SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HỮU CƠ.

Hiện nay, việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là xu hướng giúp phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay, chủ yếu sử dụng các loại phân bón hữu cơ. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ trong thời gian tới đạt hiệu quả cao cần phải chú trọng sản xuất các loại phân bón hữu cơ có chất lượng tốt và phù hợp.

Kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn chất thải động vật, phụ phẩm sẵn có tại Lâm Đồng

  1. Các loại phân chuồng: như phân heo, bò, gà, dê… có thể ủ:

– Ủ nóng: Khi lấy phân ra khỏi chuồng để ủ, phân được xếp thành từng lớp 20-25cm ở nơi có nền không thấm nước, nhưng không được nén, rắc thêm một lớp men vi sinh chuyên dùng để ủ phân chuồng, chiều cao đống ủ khoảng 1,5m, chiều rộng 2-3m, dài tùy theo chiều dài của nền đất ủ. Sau đó tưới nước phân lên, giữ độ ẩm trong đống phân khoảng 60-70%. Rồi trát bùn bao phủ bên ngoài đống phân để cho đống phân được kín. Hàng ngày tưới nước phân lên đống phân. Sau 4-6 ngày, nhiệt độ trong đống phân có thể lên đến 60oC. Các loài vi sinh vật phân giải chất hữu cơ phát triển nhanh và mạnh, cần giữ cho đống phân tơi, xốp, thoáng. Phương pháp ủ nóng có tác dụng tốt trong việc tiêu diệt các hạt cỏ dại, loại trừ các mầm mống sâu bệnh. Thời gian ủ tương đối ngắn. Chỉ 30-40 ngày là ủ xong, phân ủ có thể đem sử dụng. Tuy vậy, phương pháp này có nhược điểm là dễ mất nhiều đạm.

– Ủ nguội: Phân được lấy ra khỏi chuồng, xếp thành lớp 20-25cm và nén chặt. Trên mỗi lớp phân chuồng rắc lên một lớp men vi sinh chuyên dùng. Sau đó ủ đất bột hoặc đất bùn khô đập nhỏ, rồi nén chặt. Đống phân được xếp với chiều rộng 2-3m, chiều dài tuỳ thuộc vào chiều dài nền đất. Các lớp phân được xếp lần lượt cho đến độ cao 1,5-2m. Sau đó trát bùn phủ bên ngoài. Do bị nén chặt cho nên bên trong đống phân thiếu oxy, môi trường trở nên yếm khí, khí cacbonic trong đống phân tăng. Vi sinh vật hoạt động chậm, bởi vậy nhiệt độ trong đống phân không tăng cao và chỉ ở mức 30 – 35oC. Đạm trong đống phân chủ yếu ở dạng amoni cacbonat, là dạng khó phân hủy thành amoniac, nên lượng đạm bị mất giảm đi nhiều.

Theo phương pháp này, thời gian ủ phân phải kéo dài 5-6 tháng phân ủ mới dùng được. Nhưng phân có chất lượng tốt hơn ủ nóng.

– Ủ nóng trước, nguội sau: Phân chuồng lấy ra xếp thành lớp không nén chặt ngay. Để như vậy cho vi sinh vật hoạt động mạnh trong 5-6 ngày. Khi nhiệt độ đạt 50- 600C tiến hành nén chặt để chuyển đống phân sang trạng thái yếm khí. Sau khi nén chặt lại xếp lớp phân chuồng khác lên, không nén chặt. Để 5-6 ngày cho vi sinh vật hoạt động. Khi đạt đến nhiệt độ 50-600C lại nén chặt. Cứ như vậy cho đến khi đạt được độ cao cần thiết thì trát bùn phủ chung quanh đống phân. Quá trình chuyển hoá trong đống phân diễn ra như sau: ủ nóng cho phân bắt đầu ngấu, sau đó chuyển sang ủ nguội bằng cách nén chặt lớp phân để giữ cho đạm không bị mất.

Để thúc đẩy cho phân chóng ngấu ở giai đoạn ủ nóng, người ta dùng một số phân khác làm men như phân tằm, phân gà, vịt… Phân men được cho thêm vào lớp phân khi chưa bị nén chặt. Ủ phân theo cách này có thể rút ngắn được thời gian so với cách ủ nguội, nhưng phải có thời gian dài hơn cách ủ nóng.

  1. Ủ vỏ cà phê ủ làm phân hữu cơ

Vỏ cà phê

Với công thức: Vỏ cà phê 1 tấn + phân chuồng 250-300kg + rỉ mật hoặc đường đen 2kg + men sinh học từ 2-4kg tùy loại men.

Bước 1: Hoạt hóa men. Trước khi tiến hành hành ủ vỏ cà phê 4-5 giờ, cho toàn bộ men sinh học, đường hoặc rỉ mật cùng với 50 lít nước sạch vào thùng chứa và khuấy đều, sau đó cứ 1 giờ lại khuấy lại một lần. Lưu ý không sử dụng nước máy để hoạt hóa men.

Bước 2: Phối trộn nguyên liệu: Rải vỏ cà phê, phân chuồng thành lớp dày khoảng 40cm, tưới cho đủ ẩm sau đó trộn đều và bổ sung thêm nước cho đủ ẩm để đạt độ ẩm 55-60% (nắm nguyên liệu bóp nhẹ, nếu có nước rỉ qua các kẽ tay là độ ẩm của đống ủ thích hợp) không nên tưới quá nhiều nước hoặc quá khô.

Bước 3: Xử lý men và ủ

Rải nguyên liệu thảnh lớp (dày 20-25 cm), rộng tối thiểu 2m, khuấy đều dung dịch men đã hoạt hóa và dùng bình ô doa tưới men lên các lớp nguyên liệu, đảo trộn đều.

Dùng rơm rạ, thân cây phân xanh, đậu, bắp… tủ lên đống ủ một lớp dày khoảng 10cm, tưới nhẹ một ít nước, dùng bạt hoặc tấm nilon che tủ kín toàn bộ đống ủ để giữ ẩm độ và nhiệt độ.

Bước 4: Kiểm tra, xử lý đống ủ.

Kiểm tra lần 1: Khoảng 15 ngày sau khi ủ, thì tiến hành kiểm tra đống ủ. Khoét hố sâu từ đỉnh xuống đáy của đống ủ (ở giữa và 4 góc) nếu nhận thấy có nhiều nấm men trắng bám trên bề mặt nguyên liệu và nhiệt độ đống ủ có thể lên tới 60-65oC, thì chất lượng đống ủ tốt, đồng đều. Nếu đống ủ thiếu độ ẩm (bị khô), cần phải tưới thêm nước sao cho nước có thể làm ướt đều đống ủ, gom chất đống và che đậy lại.

Kiểm tra lần 2: Khi ủ được 40-45 ngày (tức là sau lần 1 được 25-30 ngày), đảo trộn thật đều đống ủ, kết hợp tưới nước bổ sung cho đủ ẩm.

Kiểm tra lần cuối: Khi ủ được 100-110 ngày, nếu thấy nguyên liệu đã hoai mục thì có thể sử dụng để bón cho cây trồng. Khi đó nhiệt độ đống ủ hạ xuống mức bình thường (khoảng 37-40oC).

  1. Ủ rơm rạ thành phân hữu cơ

Với nguyên liệu rơm rạ khô 1.000kg + phân chuồng 400kg + chế phẩm sinh học EM 7lít + rỉ mật đường 6kg+ vôi 10kg. Đầu tiên tiến hành băm nhỏ rơm rạ khoảng 5-10cm, sau đó trộn đều rơm rạ đã băm nhỏ với phân chuồng, vôi bột. Rồi dùng chang/cào dàn mỏng hỗn hợp nguyên liệu đã trộn dày khoảng 20-30cm, sau đó pha chế phẩm sinh học EM 7lít + rỉ mật đường 5kg + 200 lít nước tưới đều lên đống ủ, tiếp tục làm như vậy cho đến khi đống ủ cao khoảng 1,2-1,5m. Sau đó, đậy bạt lên trên đống ủ, sau 3-4 ngày đầu tiên kiểm tra nhiệt độ đống ủ. Lúc này, nhiệt độ khoảng 50-60oC là đạt. Sau đó cứ 7 ngày bà con đảo trộn một lần và kiểm tra độ ẩm và bổ sung thêm nước tưới. Sau 30-40 ngày là bà con có phân hữu cơ để sử dụng.

  1. Kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ đạt hiệu quả

Các loại phân hữu cơ đều được sử dụng bón gốc cho cây trồng, bón lót hoặc bón thúc cho cây.

– Bón lót trước khi trồng: Bón rải đều trên mặt đất sau đó cày vùi xuống đất để phân được trộn với đất và phân hủy tạo cho đất tơi xốp và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.

– Bón thúc:

+ Cây ngắn ngày: Bón theo hàng, hố sau đó cày vùi vào đất.

+ Cây dài ngày: Bón theo tán cây rồi lấp đất lại.

Chú ý: Khi sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ sinh vi sinh, phân hữu cơ sinh học để đạt hiệu quả cao không nên sử dụng cùng các loại thuốc thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học.

 

Nguồn: Nguyễn Thị Thùy – TTKN Lâm Đồng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *