SỬ DỤNG DỊCH ĐẠM CÁ NHƯ MỘT LOẠI PHÂN HỮU CƠ CHO VƯỜN NHÀ

Dịch đạm cá là một loại phân bón hữu cơ dạng lỏng có tác dụng nhanh, thường được làm từ các phụ phẩm của ngành công nghiệp chế biến cá (trừ các phụ phẩm trong ngành gia vị). Dịch đạm cá còn được gọi là phân bón cá, thường được bán dưới dạng dung dịch cô đặc, bạn có thể pha loãng dịch này với nước và bón cho khu vườn nhà mình. Dịch đạm cá đôi khi có mùi tanh nồng, nhưng sản phẩm được khử mùi sẵn cũng thường được bày bán rộng rãi bên ngoài thị trường.

1/ Mục đích
Dịch đạm cá thích hợp cho nhiều mục đích sử dụng, nhưng do dịch có hàm lượng đạm rất cao, nên đặc biệt hữu ích khi sử dụng để làm phân bón cho các loại rau xanh ăn lá. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi sử dụng quá nhiều. Nếu đất của bạn đã chứa quá nhiều đạm, việc bón quá nhiều dịch đạm cá có thể gây cháy cây do thừa đạm, và ảnh hưởng đến sự phát triển của rau màu trong vườn. Nếu bạn không chắc đất của mình đang ở tình trạng nào, hãy dùng một số phương pháp kiểm tra đất đơn giản tại nhà để tìm hiểu, hoặc nhờ những người có hiểu biết chuyên ngành để giúp đỡ.

2/ Hướng dẫn phương pháp sử dụng
Để sử dụng dịch đạm cá, trước tiên bạn cần pha loãng nó. Cho khoảng 5 gram dịch đạm cá vào 1 lít nước (hoặc theo liều lượng của nhà sản xuất), sau đó tưới cây bằng dung dịch đó. Vì dịch đạm cá có tác dụng nhanh nên có thể mọi người sẽ có tâm lí muốn phun thường xuyên. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu của Đại học Bang North Carolina đã thử nghiệm cho ra kết quả là sử dụng dịch đạm cá hai lần một tuần sẽ giúp cho cây trồng sự phát triển tốt nhất so với các tần số phun khác. Bạn có thể cân nhắc bón phân cho khu vườn của mình vào vụ xuân bằng dịch đạm cá, với cách sử dụng bình xịt có vòi phun sương.

3/ Tự sản xuất đạm cá tại nhà
Bạn không cần phải mua dịch đạm cá vì bạn có thể tự làm tại nhà nếu có sẵn nguồn phế phẩm cá. Những vật dụng bạn cần là một cái xô có nắp, lá khô hoặc các vật liệu mùn hữu cơ khác, phế phẩm cá và nước. Sau đây là cách thực hiện:

  • Chuẩn bị một cái xô 5 lít để đựng dịch đạm cá. Cái xô này sẽ bị ám mùi tanh của cá sau “công trình” này, vì vậy cái xô này sẽ khó dùng được cho việc khác nên hãy căn nhắc nhé.
  • Mua phế phẩm cá từ các hàng cá ngoài chợ hoặc dùng phế phẩm ở nhà của gia đình. Cho vào xô.

Có thể dễ dàng tìm thấy nguồn cá phế phẩm bên ngoài.

  • Xếp lớp phế phẩm cá với lá/ vật liệu hữu cơ khác cho đến khi xô đầy 2/3.
  • Phủ một lớp cá lên trên cùng.
  • Đổ nước ngập hỗn hợp trên, để lại khoảng trống cách miệng xô 10-15cm. Ngoài ra còn có thể bổ sung các loại men vi sinh, men khử mùi hoặc các chế phẩm vi sinh như EM vào hỗn hợp vừa giúp tăng tốc độ phân hủy, vừa giúp khử mùi hôi.

  • Bịt kín xô và cất đi. Kiểm tra xô mỗi tuần một lần, giai đoạn sau thì nên kiểm tra vài ngày một lần, để xem liệu khí có tích tụ hay không. Khi nhận thấy hỗn hợp bắt đầu sản sinh nhiều khí, bạn nên khuấy hỗn hợp mỗi tuần một lần.
  • Hỗn hợp nên được ủ trong khoảng một tháng. Ở nơi có khí hậu ấm nóng, dung dịch sẽ có xu hướng phân hủy nhanh hơn.
  • Để sử dụng dịch đạm cá tự chế, hãy lọc sạch lá và các mẩu cá còn sót, cẩn thận không để nó dính vào da hoặc quần áo của bạn. Pha loãng như hướng dẫn bên trên rồi tiến hành tưới cho vườn.

  • Đừng bỏ đi những mảnh vụn còn sót lại. Đổ thêm nước vào xô và bắt đầu lại quy trình trên. Bạn thường có thể sử dụng vật liệu đã qua sử dụng tới khoảng ba lần.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *