- Thời vụ:
Khổ qua có thể trồng được quanh năm trong cả nước. Tuy nhiên, thời vụ thích hợp nhất ở miền Nam là từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau; Miền Trung từ tháng 11, 12 đến tháng 6, 7; Miền Bắc tháng 2, 3, 7, 8.
- Đất trồng:
Đất trồng có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, loại đất thích hợp nhất là đất thịt pha cát. Vụ trước không trồng các cây thuộc họ bầu bí (mướp, dưa leo, dưa hấu, bí đao, bí rợ…)
Làm sạch cỏ, tàn dư thực vật của vụ trước, cày bừa đất tơi xốp. Bón 300-500 kg vôi/ha, nếu pH đất <6 phải tăng lượng vôi.
Sau khi bón vôi 10-15 ngày thì tiến hành bón lót, lên luống và phủ bạt.
Trồng hàng đơn
Khoảng cách: Hàng x Hàng :1,2 – 1,4m Cây x Cây : 0,5 – 0,6m.
Mật độ trung bình khoảng 1.300-1.600 cây/1.000 m2
- Xử lý hạt giống & gieo hạt:
Lượng hạt cần cho 1.000m2: 300-350 gram
Ngâm ủ: Để đạt kết quả tốt nên áp dụng quy trình ngâm ủ hạt giống trước khi gieo như sau:
+ Sau khi mở khỏi bao bì, cho hạt vào nước ấm (2 sôi+ 3 lạnh) ngâm khoảng 4-6h cho hạt thấm đều nước.
+ Vớt hạt ra đem ủ vào khăn ẩm (khăn nhúng nước ấm vắt ráo). Chú ý khi ủ hạt nên trãi dàn đều cho khăn tiếp xúc với hạt càng nhiều càng tốt, rồi gấp khăn lại (không dồn thành cục).
+ Cứ sau 24 giờ ủ hạt thì đem ra rửa sạch lớp nhờn bên ngoài vỏ hạt, giặt khăn cho sạch rồi ủ lại trong khăn ẩm. Sau 36-48h, khi hạt nứt nanh đem gieo (lưu ý: đối với thời tiết lạnh thời gian nảy mầm của hạt sẽ kéo dài hơn).
Khổ qua có thể gieo thẳng hoặc gieo vô bầu:
+ Gieo thẳng ngoài đồng (nên áp dụng vào mùa khô hoặc ít mưa). Cách gieo này ít tốn công hơn gieo vô bầu, tuy nhiên cần gieo dự phòng 1 ít để trồng dặm.
+ Gieo vô bầu hoặc khay: Cách này áp dụng cho mùa mưa và cho hạt giống F1 vì giá hạt lai F1 khá cao, cách gieo này tiết kiệm được hạt giống và dễ chăm sóc.
- Bón phân:
Loại phân bón và liều lượng tùy theo loại đất và điều kiện thời tiết từng vùng. Dưới đây là lượng phân bón tham khảo cho 1.000m2 ở khu vực Miền Trung:
+ Bón lót: 2-3 m3 phân chuồng, 20-30 kg DAP, 30-50 kg super lân.
+ Bón thúc lần 1 (15 ngày sau khi gieo): 30-40 kg NPK (20-20-15 TE), 2,5-3 kg urê, 5-8 kg KCl, 6-8 kg DAP
+ Bón thúc lần 2 (30-35 ngày sau gieo): 25-35 kg NPK (20-20-15 TE), 5-6 kg urê, 8-12 kg KCl
.+ Bón thúc lần 3 (45-55 ngày sau gieo): 20-30 kg NPK (20-20-15 TE), 5-6 kg urê, 8-10 kg KCl
Nếu không sử dụng màng phủ thì nên chia lượng phân trên ra nhiều lần bón. Khoảng 10-12 ngày bón một lần.
- Chăm sóc:
Lượng nước tưới có liên quan đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây. Cây cần được tưới đủ nước, nguồn nước tưới phải sạch, không bị ô nhiễm, đặc biệt là trong giai đoạn cây ra hoa và bắt đầu phát triển trái.
Khi cây ra khoảng 4-6 lá thật thì cần tiến hành ngắt ngọn. Việc bấm ngọn sẽ thúc cây ra nhiều nhánh, tạo năng suất cao hơn.
Thường xuyên làm sạch cỏ ở gốc cây, cắt bỏ những lá già ở phía dưới để tạo độ thông thoáng cho ruộng.
Làm giàn cho cây khổ qua: Có thể làm giàn chữ A hoặc chữ U.
- Phòng trừ sâu bệnh:
*** Động vật gây hại:
+ Sâu xám, dế: Thường xuất hiện lúc cây con, cắn ngang thân làm chết cây,
dùng Regent rãi vào đất (cùng với lúc làm đất khoảng 3kg/1000 m2).
+ Sâu vẽ bùa: Thường xuất hiện và gây hại trong suốt vụ, làm hư hại bộ lá,
diệt trừ bằng các loại thuốc như Sherpa, Polytrin, Trigard.
+ Sâu xanh ăn lá: Thường cắn phá lá và vỏ trái làm lá bị hư hại, vỏ trái bị sẹo,
diệt trừ bằng các loại thuốc như: Polytrin, Karate, Sherpa.
+ Côn trùng chích hút như bọ trĩ, rầy nhớt, bọ phấn trắng: Thường tập trung ở các đọt non để chích hút nhựa cây, làm dưa chùn ngọn, lá non bị biến dạng và làm lây lan bệnh virus.
Diệt trừ bằng các loại thuốc như: Confidor, Regent, Polytrin, Selecron, Thianmectin.
+ Ruồi đục trái : Ruồi chích vào quả đẻ trứng, nở thành sâu non làm quả bị vàng và rụng hàng loạt. Loại trừ bằng cách hái bỏ tất cả những trái bị hại đem chôn nơi khác, xịt thuốc: Polytrin hay dùng Vizubon (làm bẫy dẫn dụ)
Dùng luân phiên các thuốc, không nên pha trộn nhiều thuốc để phun.
*** Bệnh hại:
+ Bệnh phấn trắng: thường xảy ra ở điều kiện thời tiết mát (20-25oC), ẩm độ không khí cao. Phun luân phiên các loại thuốc diệt nấm Score, Dithand M-45, Anvil, Tilt super, Daconil,…
+ Bệnh đốm lá: trên lá xuất hiện các đốm bệnh có màu trắng ở giữa và xung quanh màu nâu. Bệnh thường gây hại trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Phòng trị bệnh bằng các loại thuốc diệt nấm như Ridomil, Topsin, Score, Aliette,…
+ Bệnh cháy lá: vết bệnh có màu nâu, có hình chữ V hoặc chữ U, xuất hiện từ mép lá và lan rộng dần vào phiến lá. Bệnh phổ biến trong mùa mưa. Sử dụng các loại thuốc trừ nấm như Mancozeb, Ridomil,… để phòng trị bệnh.
- Thu hoạch:
Sau khi gieo 38 – 50 ngày (tùy giống) bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 35 – 60 ngày tùy theo mức độ thâm canh của người sản xuất. Năng suất bình quân của khổ qua có thể đạt từ 3-5 tấn/1000m2.
Nên thu hoạch đúng lứa nếu không trái sẽ quá to, thị trường khó chấp nhận, cây bị mất sức và năng suất thấp, trái dễ bị già, chín nhanh, giảm sản lượng. Thu hoạch sáng sớm hoặc buổi chiều, bảo quản sản phẩm nơi thoáng mát.