- Thời vụ:
Bí đao có thể trồng quanh năm. Ở miền Nam vụ chính Đông Xuân, Xuân Hè. Ở miền Trung vụ chính từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau.
Tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, tập quán canh tác của từng vùng mà nông dân sẽ chọn lựa những giống bí đao khác nhau.
Trồng vào mùa mưa nên làm giàn cho bí leo để tránh trái bị thối do tiếp xúc với đất ẩm.
- Đất trồng:
Đất thịt pha cát là tốt nhất, vùng đất phải được thoát nước tốt, độ pH thích hợp từ 6 – 6,5, nếu độ pH < 6 phải tăng lượng phân bón vôi, vụ trước không trồng các cây thuộc họ bầu bí (dưa leo, dưa hấu, bí rợ,…).
Đất phải được làm sạch cỏ, rải vôi, phân bón lót, thuốc Furadan, cày xới tơi xốp, lên luống, phủ bạt.
Đối với bò đất: Cây cách cây 0,5-0,6 m, hàng đôi cách hàng đôi 4,5 – 5 m. Mật độ 650-850 cây/1000m2. Lượng giống cần 17-23 g/1.000m2.
Đối với trồng giàn: Trồng hàng đôi cây cách cây 0,5-0,6 m, hàng cách hàng 3-3,2 m. Mật độ 1.000-1.300 cây/1000m2. Lượng giống cần 26-34 g/1.000m2.
- Xử lý hạt giống & gieo hạt:
- Trước khi ngâm hạt giống, cần phải phơi nắng nhẹ khoảng 2 giờ để hạt khô, hút nước mạnh, nảy mầm tốt.
- Cho hạt vào túi vải (túi lưới) ngâm trong nước sạch (2 sôi 3 lạnh) từ 8 – 10 giờ (nên để hạt chìm hoàn toàn trong nước).
- Vớt hạt lên để ráo nước, dùng khăn sạch vắt thật ráo nước, gói hạt giống lại.
- Cuối cùng cho khăn vào bao nilon rồi cột miệng cho kín tránh bốc thoát hơi nước, ủ hạt ở nhiệt độ từ 280C – 300C là thích hợp nhất. Thông thường hạt bắt đầu nảy mầm khoảng 2-3 ngày sau khi ủ.
- Hạt bắt đầu nảy mầm nên tiến hành gieo ngay. Tùy theo thời vụ mà ta có thể gieo thẳng ngoài đồng hoặc gieo vô bầu.
- Vào mùa nắng nên gieo thẳng ngoài đồng để cây phát triển mạnh hơn và đỡ tốn công vô bầu. Tuy nhiên luống trồng ngoài đồng phải chuẩn bị thật tốt, nhất là lỗ gieo phải tơi xốp và xử lý thuốc phòng trừ sâu bệnh đầy đủ. Sau khi trồng phải tưới nước định kỳ đủ ẩm để cây phát triển tốt.
- Vào mùa mưa nên gieo vô bầu bằng lá chuối hoặc bằng bao nilon nhỏ (bầu có đục một số lỗ để thoát nước). Để phòng mưa nhiều ta có thể dùng giàn che mưa, hạn chế thừa nước bị thối mầm.
- Đất vô bầu ở vùng đất cát pha thịt nên trộn theo tỷ lệ như sau: 68,5-69,3 % đất mặt, 30 % phân chuồng hoai, 0,5 – 1 % lân và 0,2 – 0,5 % vôi nông nghiệp. Sau khi trộn đều nên sàng qua một lượt để loại bỏ cục đất to và rác. Nếu vùng đất đồng bằng Sông Cửu Long (có nhiều sét) thì thêm 10 – 20 % tro trấu, giảm 10 – 20 % đất mặt. Nên trộn thêm phân vi sinh ra rễ giúp cây phát triển tốt và ngừa chết cây con. Ngoài ra, đất cho vào bầu có thể theo tỉ lệ 1 phần phân chuồng hoai + 1 phần tro trấu + 2 phần đất tơi xốp, trộn thêm phân vi sinh ra rễ.
- Gieo một hạt nảy mầm vào một bầu hoặc gieo thẳng ngoài đồng 1 hạt mầm/1 hốc và cần phải gieo thêm một lượng bầu cây con dự phòng để trồng dặm (thông thường theo tỷ lệ 10 – 15% tổng số cây ngoài đồng).
Cách gieo:
- Dùng que nhỏ khoét 1 lỗ giữa mặt bầu hoặc trên mặt líp gieo với đường kính 1cm và sâu 1-1,5 cm.
- Đặt hạt giống có đầu rễ mầm hướng thẳng xuống đất sau đó lấp một lớp đất mỏng (mùn dừa đã được xử lý hoặc 50% đất mặt + 50% phân chuồng hoai đã sàng kỹ).
- Rải trên mặt thuốc Basudin, Furadan để phòng trừ sâu, kiến mối…
- Cuối cùng tưới đủ ẩm tại vị trí gieo hạt để cây mầm phát triển tốt.
Thông thường, cây trong bầu vừa nhú lá thật là bắt đầu đem trồng ngay ngoài đồng, nếu chậm trễ bộ rễ ăn lan ra ngoài bầu khi đem trồng cây đứt nhiều rễ làm cây lên yếu và dễ chết.
Chú ý: Sau khi xuống giống được 7 – 8 ngày nên sử dụng phân vi sinh ra rễ giúp cho bộ rễ phát triển mạnh, đồng thời tăng khả năng kháng bệnh cho cây giai đoạn sau.
- Bón phân:
Tùy vào từng vùng cũng như chất đất mà ta có công thức phân và liều lượng bón khác nhau. Dưới đây là công thức bón phân cho 1000m2 ở khu vực Miền Trung các bạn có thể tham khảo.
Bón lót:
– Phân chuồng hoai: 2 – 3 m3
– Phân lân: 40-50 kg
– Phân hữu cơ vi sinh: 20 kg.
– Vôi: 40 – 60 kg (xử lý đất trước khi trồng 10-15 ngày)
– NPK 20-20-15: 30 – 40 kg.
– Furadan hạt rải theo hàng: 3 kg.
Bón thúc:
– Sau trồng 5 – 6 ngày tưới phân DAP hòa loãng vào quanh gốc (1 kg phân DAP pha 400-500 lít nước).
– Khi nhánh phụ bò dài 25-35 cm, rải phân NPK 20-20-15 thúc lần 1: 40-50 kg, 10kg Ure cày lấp phân và diệt cỏ quanh gốc.
– Khi bắt đầu thu hoạch, rải phân thúc lần 2 ở mương tưới. Lượng phân NPK 20-20-15: 10-15 kg, 10-15 kg phân KCl.
– 10-15 ngày sau bón thúc lần 2, rải thúc lần 3 bằng phân NPK 20-20-15: 10 – 20 kg ở mương tưới giống như đợt trước.
- Chăm sóc:
- Tưới nước:
Sau khi trồng nên tưới nước thường xuyên cho cây để tránh cây bị nắng quá dẫn đến mất nước và chết.
Khi cây lớn, dẫn nước vào mương tưới thấm. Bí đao rất sợ úng nước, mương tưới bị đọng nước hơn 10 giờ phải khai thông thoát nước. Do đó đất cần phải được thoát nước tốt. Tưới nước đều đặn theo chu kỳ, tùy theo độ bốc thoát hơi nước, độ ẩm của đất.
- Chăm sóc và làm giàn:
Làm cỏ bằng tay hoặc phun thuốc diệt cỏ Gramoxon hoặc NuFarm. Phun các loại thuốc này cần phải dùng loa che béc phun để tránh thuốc dính vào lá hoặc thân cây.
Khi cây có 5 – 6 lá thật, bấm ngọn cho ra nhánh phụ giúp cây cho trái nhiều và tập trung, tránh thân chính bò quá dài.
Thụ phấn bổ sung: thụ phấn vào buổi sáng từ 6-9 giờ, nếu vùng có nhiều ong mật thì không cần thiết thụ phấn bổ sung.
Bí đao có thể bò đất hoặc bò giàn.
+ Bí bò trên đất: Ưu điểm là năng suất cao, dễ quản lí sâu bệnh hại. Tuy nhiên, chúng ta phải lót rơm để hạn chế trái tiếp xúc đất giúp trái ít nhiễm nấm bệnh. Khi bò trên đất, màu sắc trái không đẹp và giá bán thấp.
+ Bí bò trên giàn bằng cây hoặc lưới: Ưu điểm là màu sắc trái sẽ bóng đẹp đều hơn so với bò đất nhưng tốn công làm giàn và chi phí làm giàn cao.
Làm giàn cho cây leo: Chiều cao giàn không dưới 1,8 m, sau cho thuận tiện việc chăm sóc, thu hoạch. Có thể sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như dây thép, dây thừng, tre, lưới, sắt,… nhưng ưu tiên sử dụng tre vì khi nắng nóng sẽ không gây tổn thương dây bí.
Theo từng giai đoạn nên sử dụng dây buộc thân bí vào giàn (trường hợp trồng giàn) để giữ thân vững chắc khỏi bị gió làm gãy thân.
Cần thường xuyên theo dõi cây để sớm phát hiện các vấn đề về sâu bệnh hại và có biện pháp xử lý kịp thời.
- Phòng trừ sâu bệnh:
– Bọ trĩ: thường gây hại nhiều vào mùa nắng nóng, tập trung ngọn, chích hút nhựa cây làm chùn ngọn, cây không phát triển được. Đây là môi giới truyền bệnh virus, lá bí bị xoăn, cây không phát triển và không có khả năng cho ra trái. Phòng trừ bằng cách phun luân phiên các loại thuốc như Confidor, Regent, Polytrin, Selecron, Lanante, Thianmectin…Phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, phun tập trung vào ngọn, mặt dưới lá và đều cả cây.
– Rầy xanh, rầy mềm, bọ phấn trắng, bọ xít…: chích hút làm xoăn lá, cây kém phát triển, giảm năng suất. Phun kĩ mặt dưới lá bằng Cidi M50, Supracide, Regent, Confidor…
– Sâu vẽ bùa: Sâu đục lòn trong phiến lá, ăn phần diệp lục tố, tạo những đường ngoằn ngoèo trên phiến lá, khi phá hoại nặng lá bị khô cháy, giảm quang hợp làm giảm năng suất trái. Dùng thuốc Regent, Ofunack, Lannate, Sherpa, Polytrin, Trigard,…
– Sâu xám, dế: Thường xuất hiện lúc cây con, cắn lá mầm hoặc cắn ngang thân làm chết cây. Phòng trị bằng cách rãi Basudin, Furadan hoặc Regent khi chuẩn bị đất trồng (khoảng 3kg/1000 m2).
– Sâu xanh: Thường cắn phá lá và vỏ trái làm lá bị hư hại, vỏ trái bị sẹo. Diệt trừ bằng các loại thuốc như: Polytrin, Karate, Sherpa, Sumiapha, Decis,….
– Ruồi vàng đục trái: ruồi chích vào trái gây sẹo và đẻ trứng vào trái. Phun thuốc Polytrin, Fastac,… hoặc là bẫy dẫn dụ Vizubon.
– Bệnh phấn trắng: thường xảy rả ở điều kiện thời tiết mát (20-25oC), ẩm độ không khí cao. Phun luân phiên các loại thuốc diệt nấm Score, Dithand M-45, Anvil, Tilt super, Daconil,…
– Bệnh đốm lá: trên lá xuất hiện các đốm bệnh có màu trắng ở giữa và xung quanh màu nâu. Bệnh thường gây hại trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Phòng trị bệnh bằng các loại thuốc diệt nấm như Ridomil, Topsin, Score, Aliette,…
– Bệnh cháy lá: vết bệnh có màu nâu, có hình chữ V hoặc chữ U, xuất hiện từ mép lá và lan rộng dần vào phiến lá. Bệnh phổ biến trong mùa mưa. Sử dụng các loại thuốc trừ nấm như Mancozeb, Ridomil,… để phòng trị bệnh.
– Bệnh nứt thân xì mủ: phun luân phiên các loại thuốc Ridomil, Topsin M, Polyram, Mancozeb, Copper, Aliette, Rampart… và hạn chế bón phân đạm.
– Bệnh thối cổ rễ: xuất hiện nhiều ở giai đoạn cây con, phần thân gần mặt đất thối nhũn, cây đổ ngã. Giai đoạn cây con không nên tưới quá ẩm ngừa bệnh phát sinh. Dùng Rovral, Aliete, No Mildew 25WP….phun cho cây.
– Chạy dây, ngủ ngày: cây bị héo từ ngọn đến thân, đôi khi từng nhánh bị nứt. Dùng Aliette, Ridomil, Rovral, Appencarb…
Lưu ý: Khi phun thuốc nên phun kỹ mặt dưới lá, thuốc trị bệnh nên phun ở lá già và lá bánh tẻ, thuốc trị sâu phun lá bánh tẻ và lá non.
- Thu hoạch:
Thời gian thu hoạch lứa đầu sau gieo khoảng 45-55 ngày tùy giống. Nên thu hoạch khi trái còn non, trọng lượng trái trung bình 0,4 – 0,6 kg, không để trái già làm chất lượng trái kém rất khó bán, xếp nhẹ nhàng trái vào giỏ tránh bị xây xát và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.