- Thời vụ:
Cây dưa leo phát triển thích hợp ở vùng nhiệt đới, nhiệt độ ngày thích hợp cho dưa 22-300C. Ở các tỉnh miền Nam và miền Trung có thể trồng dưa leo quanh năm. Tùy vào từng vụ mà lựa chọn giống dưa leo trồng có những thuận lợi và khó khăn khác nhau:
- Vụ Xuân hè (tháng 1, 2, 3) mùa này không mưa, nhiệt độ cao, nên tưới đủ nước cho cây nếu không cây sinh trưởng kém và tích lũy chất cucurbitaxin làm trái trở nên đắng.
- Vụ Hè Thu (tháng 4, 5, 6) trồng dưa sẽ ít sâu bệnh, ít tốn công tưới nước, cho năng suất cao.
- Vụ Thu Đông (tháng 7, 8, 9) mùa này mưa nhiều, đậu trái kém dễ bị bệnh đốm phấn.
- Vụ Đông Xuân (tháng 10, 11, 12) ít mưa, thường có dịch bọ trĩ, sâu vẽ bùa và bệnh đốm phấn nên cần có biện pháp phòng trừ tốt.
- Đất trồng:
Dưa leo có bộ rễ yếu và sức hấp thụ của rễ kém, nếu gặp hạn hay úng hoặc nồng độ phân cao, bộ rễ dưa dễ bị vàng khô, vì thế nên trồng dưa trên đất có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha, đất thịt nhẹ thoát nước tốt, có nhiều chất hữu cơ, pH từ 6,5-7,5. Bón vôi 300 – 500 kg/ha, nếu độ pH dưới 5 thì phải tăng lượng vôi để tăng độ pH cho đất. Sau khi bón vôi 10- 15 ngày thì tiến hành bón lót, lên luống và phủ bạc để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.
Đất cần cày sâu, bừa kỹ tơi xốp, làm sạch cỏ dại và vụ trước không trồng các cây thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Khi trồng vào mùa mưa phải lên luống cao 25-30 cm và đào rãnh thoát nước tốt.
– Hàng đôi cách hàng đôi: 1.5 – 1.8 m
– Cây cách cây : 0.3 – 0.4 m
– Mật độ 3.200 – 3.600 cây/1.000 m2
- Xử lý hạt giống & gieo hạt:
Lượng hạt giống cho 1000m2: 80-100 gram
Có thể gieo hạt khô hoặc xử lý hạt với nước ấm (2 sôi + 3 lạnh) trong 1-2 giờ, sau đó rửa sạch để ráo và mang đi gieo
Có 2 cách gieo: gieo vào bầu, khay hoặc là gieo trực tiếp.
*Gieo vào bầu, vỉ ươm:
– Gieo vào vỉ ươm hoặc túi bầu (kích thước: 7 x 10cm) có đục lỗ để thoát nước. Vườn ươm phải chọn nơi thoáng và đủ ánh sáng, có mái che để tránh các điều kiện ngoại cảnh bất thuận.
– Gieo 1 hạt vào 1 ô của vỉ ươm hoặc túi bầu. Gieo xong phủ kín hạt bằng một lớp đất mỏng, cần thường xuyên tưới nước đủ ẩm cho hạt nảy mầm.
– Khi cây con có 1-2 lá thật (sau gieo 5-7 ngày) thì đem trồng.
* Gieo thẳng ngoài đồng:
– Ưu điểm của gieo ngoài đồng là cây mọc mạnh hơn, ít tốn công lao động hơn.
– Nhược điểm: khó chăm sóc quản lý hơn vì gieo ngoài đồng trên diện tích rộng nếu gặp mưa hoặc sâu bệnh thì không chủ động được. Phải chuẩn bị đất gieo tốt và kiểm soát côn trùng gây hại thì tỉ lệ cây chết sẽ ít. Dùng phân chuồng hoai mục bỏ vào lỗ gieo, đất và phân phải được trộn đều để cây con mọc mạnh.
Chú ý: Sau khi gieo hạt ngoài đồng 5-6 ngày cần tiến hành trồng dặm để đảm bảo mật độ. Vì vậy, với phương pháp trồng ngoài đồng cần gieo bầu cây con dự phòng khoảng 3%.
- Bón phân:
Tùy vào chân đất và điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng mà loại phân và liều lượng bón khác nhau. Dưới đây là công thức phân bón tham khảo ở khu vực Miền Trung cho 1000m2 đất trồng:
Loại phân bón | Đơn vị | Tổng lượng
phân |
Bón lót | Tưới dặm | Bón thúc | ||
Lần 1 | Lần 2 | Lần 3 | |||||
Phân hữu cơ hoai mục | m3 | 2-3 | 2-3 | – | – | – | |
DAP | kg | 27 | 20 | 1 | 6 | – | – |
20-20-15 | kg | 75-80 | – | 35 | 30 | 10-15 | |
Ure | kg | 10 | – | 3 | 4 | 3 | |
KCl | kg | 20 | – | 9 | 11 | – | |
Lân | kg | 30-50 | 30-50 | – | – | – |
Cách bón:
– Bón lót: Trước khi trồng 1 – 2 ngày tiến hành bón phân hữu cơ, phân lân và 1 phần phân DAP
– Tưới dặm: 7 ngày sau gieo pha loãng 1kg DAP với 450-500 lít nước
– Bón thúc 3 lần như sau:
- Lần 1: Sau 15-20 ngày, cây có 5-6 lá thật. Bón xung quanh gốc, cách gốc 15-20 cm, kết hợp vun xới.
- Lần 2: Sau 30-35 ngày. Bón giữa hai gốc, kết hợp vun cao, cắm giàn.
- Lần 3: Sau 45-50 ngày (sau khi thu quả đợt đầu), hoà nước tưới vào giữa luống hoặc rắc vào giữa luống kết hợp tưới thấm vào buổi chiều mát (chỉ thu hoạch đợt quả tiếp theo sau khi bón thúc ít nhất 7 ngày).
- Chăm sóc:
Lượng nước và số lần tưới tùy thuộc vào ẩm độ đất. Vào mùa nắng nên tưới nước 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát. Cần tưới đủ nước cho cây vì nếu thiếu nước cây phát triển kém, khó đậu, trái phát triển không bình thường, chất lượng thương phẩm kém. Còn nếu thừa nước năng suất giảm, lá bị vàng, cây bị chết do bộ rễ không phát triển được.
Khi xuất hiện tua cuốn tiến hành cắm giàn. Giàn cắm kiểu chữ A, cao 2,5-3,0 m. Thường xuyên buộc cây vào giàn bằng dây mềm theo kiểu hình số 8, mối buộc đầu tiên cách mặt luống 35-40 cm.
Khi bón thúc ở các giai đoạn cần kết hợp xới vun.
Theo dõi, chăm sóc, thăm ruộng thường xuyên để phát hiện và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời.
- Phòng trừ sâu bệnh:
- Bọ trĩ hay bù lạch (Thrips palmai): Thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho đọt non bị xoăn lại. Bọ trĩ phát triển mạnh vào mùa khô hạn. Bọ trĩ còn là môi giới truyền bệnh virus gây hại dưa leo. Nên phun luân phiên thay đổi các loại thuốc có các hoạt chất như: Abamectin(Catex 1.8 EC, Plutel 5 EC); Abamectin + Bacillus thuringiensis var.kurstaki (Kuraba WP, 1.8EC); Imidacloprid (Confidor 100 SL); Thianmectin 0.5ME,…
- Bọ rầy dưa (Aulacophora similis): Bọ thường hại mạnh khi cây còn nhỏ, mật độ bọ cao có thể làm cây trụi hết lá và đọt non. Bọ dưa non sống trong đất cắn phá rễ cây kể cả khi cây đã lớn làm cây sinh trưởng kém và có thể chết. Biện pháp phòng trừ nên thu gom tiêu hủy cây dưa sau mùa thu hoạch, chất thành đống tạo bẫy để rầy dưa tập trung, bắt trưởng thành bằng tay hoặc bằng vợt.
- Rầy nhớt (Aphis spp): Chích hút nhựa ở mặt dưới lá làm lá non bị biến dạng, truyền bệnh khảm. Phòng trừ: Phun thuốc Pesta 5SL, Oncol, Supracide,…
- Rầy trắng: Chích hút nhựa, truyền bệnh khảm. Phòng trừ: Phun Pesta 5SL, Mospilan, Oncol,…
- Dòi đục lá hay sâu vẽ bùa (Liriomyza spp.): Đục thành đường hầm ngoằn ngèo dưới lớp biểu bì lá. Dưới ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, những đường này làm cho lá bị cháy khô, cây rất mau tàn lụi. Ruồi tấn công khi cây bắt đầu có lá thật. Cần thay đổi chủng loại thuốc thường xuyên vì ruồi rất nhanh quen thuốc. Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Cyromazine (Trigard 100 SL); Dinotefuran (Chat 20WP, Oshin 20WP). Phun khi 2-3 lá, khi cần thiết có thể phun lặp lại sau 7-10 ngày.
- Sâu ăn lá (Diaphania indica): Sâu non thường sống và gây hại ở đọt và lá non. Khi có quả non sâu gặm quả làm vỏ sần sùi. Biện pháp phòng trừ: Thu dọn và tiêu hủy tàn dư sau khi thu hoạch. Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất: Abamectin(Abatin 1.8 EC, 5.4 EC); Diafenthiuron (Pegasus 500 SC).
- Bệnh héo rũ, chạy dây: do nấm Fusarium sp. Khi cây còn nhỏ bị héo như mất nước, chết khô từ đọt, gốc bị thối đen. Cây lớn sinh trưởng kém, lá biến vàng từ lá gốc trở lên. Cây bị héo từng nhánh, sau đó cả cây bị héo và chết. Có thể sử dụng nấm đối kháng Tricoderma để bón trước khi trồng cây; Streptomyces lydicus WYEC + Humic acid (Actino – Iron 1.3 SP); Validamycin (Valivithaco 3SL, 5SL, 5SC, 5WP),…
- Bệnh chết héo cây con, héo tóp thân: do nấm Rhizoctonia solani. Cổ rễ thường bị thối nhũn, cây dễ ngã, lá non vẫn xanh. Nấm chỉ gây hại ở giai đoạn cây con, bệnh còn làm thối đít trái. Sử dụng thuốc hoá học có hoạt chất Kamsugamycin (Kamsu 2SL, 4SL, 8WP); Metiram Complex (Polyram 80 DF).
- Bệnh đốm phấn, sương mai: do nấm Pseudoperonospora cubernsis. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Bệnh thường xuất hiện từ lá già ở gốc lan lên lá non, phát triển mạnh vào thời điểm ẩm độ cao, mưa nhiều. Biện pháp hóa học: Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau: Amisulbrom(Gekko 20SC); Chlorothalonil (Daconil 75WP); Mandipropamid + Chlorothalonil (Revus opti 440SC); Cucuminoid 5% + Gingerol 0.5% (Stifano 5.5SL),…
- Bệnh lở cổ rễ, cháy khô lá: do nấm Phytophthora sp.. Bệnh gây hại trên lá, trái và gốc thân. Sử dụng các loại thuốc hoá học có gốc đồng hoặc Mancozeb, Propineb, Azoxystrobin, Dimethomorph… (Man 80WP, Antracol, Amistar, Acrobat…)
- Bệnh phấn trắng: Bệnh hại chủ yếu trên lá, cuống lá và thân cây, trên mặt vết bệnh có lớp phấn trắng sau chuyển màu xám. Lá bị bệnh sẽ vàng, khô và rụng. Phòng trừ: sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau: Carbendazim(Bavistin 50 FL (SC)); Copper Oxychloride + Metalaxyl (Viroxyl 58 WP); Fosetyl Aluminium (Aliette 800 WG).
Ghi chú: Thực hiện biện pháp phòng trừ tổng hợp đạt kết quả cao hơn sử dụng đơn lẻ phương pháp hóa học. Chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.
- Thu hoạch
Tùy từng loại giống mà có thời gian thu hoạch khác nhau, sau gieo khoảng 35-40 ngày cây sẽ cho thu hoạch lứa đầu. Thu hoạch quả đúng lứa vào buổi sáng, tránh dập nát, xây xát… Nên thu hoạch lúc trái còn non, da trái láng có màu xanh non, có thể thu hoạch hàng ngày hoặc thu cách ngày một lần, tùy theo yêu cầu của thị trường cần kích thước trái nhỏ hay trái lớn.