KỸ THUẬT TRỒNG CÀ CHUA

 

  1. Thời vụ:

Cà chua có thể trồng quanh năm, nhất là vào mùa mưa ở các vùng miền Tây, miền Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên. Ở miền Bắc cà chua được trồng 3 vụ Xuân Hè, Hè Thu và Đông Xuân.

  1. Đất trồng:

Đất trồng cà chua phải được luân canh với bắp, lúa, rau, đậu… Đất vụ trước không trồng họ Cà (như cà chua, cà tím, ớt…).

Đất tơi xốp, nhẹ, nhiều mùn, tầng canh tác dày, thoát nước tốt như đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát, đất bazan,…, pH từ 5,5-7,5, thích hợp nhất từ 6-6,5.

Vệ sinh vườn trồng, dọn sạch tàn dư thực vật của vụ trước, rải vôi trước khi cày xới để diệt một số nấm hại trên mặt đất, phơi ải 7-10 ngày trước khi trồng. Sử dụng màng phủ nông nghiệp để giữ ẩm, hạn chế dinh dưỡng bị rửa trôi, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh.

Mùa khô lên luống cao 15-20cm trồng hàng đôi, mùa mưa lên luống cao 25-30cm trồng hàng đơn để chống ngập úng và dễ kiểm soát sâu bệnh gây hại.

Hàng đơn: Hàng x  Hàng: 1,2m     Cây x Cây:    0,5 – 0,6m

Mật độ: 1.400 -1.700 cây/1.000 m2

Hàng đôi: Hàng x  Hàng: 1,4m      Cây x Cây:    0,5 – 0,6m

Mật độ: 2.500 -3.000 cây/1.000 m2

  1. Xử lý hạt giống & gieo hạt:
  • Phơi hạt dưới nắng nhẹ từ 1 – 2 giờ.
  • Ngâm trong nước ấm (2 sôi + 3 lạnh), thời gian từ 3-4 giờ, vớt hạt để ráo nước.
  • Đổ hạt vào khăn ẩm (đã vắt ráo) gói lại, cho gói hạt vào bao nilon, cột kín miệng chống bốc thoát hơi nước, đem ủ ở nhiệt độ từ 20-300C, thời gian ngâm ủ khoảng 2-3 ngày thì hạt bắt đầu nảy mầm.
  • Khi hạt cà chua vừa nhú mầm nên gieo ngay vào bầu đất, những hạt chưa nảy mầm tiếp tục ủ lại.
  • Thành phần đất vô bầu (sau khi đã sàng (rây) để loại bỏ rác, cục đất to) thường gồm: 1 phần đất tơi xốp + 1 phần phân chuồng đã hoai + 1 phần tro trấu + 0,2% lân + 0,2 đến 0,5% vôi bột.
  • Gieo hạt cạn 0,3 cm sau đó lấp hạt bằng lớp đất mỏng.

Khi cây con được 5-6 lá thật tiến hành trồng cây ra đồng. Trước khi đem cây con ra đồng nên phun thuốc BVTV như Thane M 80WP, Marthian 90 SP hoặc Thianmectin 0.5ME. Nên trồng vào buổi chiều hoặc những ngày râm mát. Sau khi trồng dùng phân vi sinh ra rễ hòa vào nước tưới cho cây giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

  1. Bón phân:

Kết hợp làm cỏ, bón phân, vun gốc, lượng phân bón sử dụng tùy thuộc vào đất tốt hay xấu… Lượng phân bón sử dụng thông thường cho 1.000m2 như sau:

DIỄN GIẢI Phân hữu cơ (m3) Vôi

(kg)

Super lân (kg) Nitrophoska (15-15-15) (kg) KCl/ K2SO4 (kg) DAP (kg) Ure (kg) NPK

(16-16-8)

 (kg)

Bón lót 2 100 30 10 8
Tưới dặm (9 NSG) 1
Bón thúc lần 1 (18 NSG) 4 1,7 1,5
Bón thúc lần 2 (28 NSG) 4 1,7 1,5
Bón thúc lần 3 (38 NSG) 4 1,7 1,5
Bón thúc lần 4 (48 NSG) 2 1,5 4
Bón thúc lần 5 (58 NSG) 2 1,5 4
Bón thúc lần 6 (68 NSG) 2 1,5 4
Bón thúc lần 7 (78 NSG) 1,3 1 2
Bón thúc lần 8 (88 NSG) 1,3 1 4
Bón thúc lần 9 (100 NSG) 1,3 1 2
Tổng cộng 2 100 30 22 17,9 6,1 12 18
  • Cách bón :
    • Bón lót toàn bộ phân chuồng (2m3) , Super lân (30kg), Nitrophoska (10 kg), KCl (8kg).
    • Tưới dặm 9 ngày sau gieo (NSG): pha loãng 1kg DAP cho 400 – 500 lít nước tưới ướt đều quanh gốc.
    • Bón thúc sinh trưởng lần 1, 2, 3: Đục lỗ sâu khoảng 5-6cm cách gốc 7-10cm bỏ phân kết hợp lấp đất và làm cỏ để hạn chế mất phân.
    • Bón thúc nuôi trái lần 4, 5, 6 : Đục lỗ cách gốc 15-20 cm để bỏ phân kết hợp lấp đất và làm cỏ, xới xáo để tạo độ tơi xốp cho đất.
    • Bón thúc nuôi trái lần 7, 8, 9: Đục lỗ giữa 2 cây để bỏ phân kết hợp lấp đất và làm cỏ.

Ghi chú:

  • Xen kẽ các lần bón gốc, có thể phun phân qua lá bổ sung 15 ngày/lần.
  • Tùy theo tình hình sinh trưởng của cây cà chua mà có thể tưới phân Ure, DAP, NPK bổ sung giữa 2 lần bón thúc.
  1. Chăm sóc:

* Tưới nước:

Hàng ngày nên tưới nước đủ ẩm cho cây phát triển tốt, tránh làm ướt lá, hoa, trái. Yêu cầu nước của cây trong quá trình sinh trưởng, phát triển không giống nhau. Từ khi trồng đến hồi xanh tưới 1-2 lần/ngày, sau đó tùy điều kiện thời tiết và độ ẩm, đảm bảo độ ẩm đất khoảng 60-70%, khi cây cà chua ra hoa cần lượng nước nhiều hơn, đảm bảo độ ẩm đất 70-80%.

  • Độ ẩm đất thấp: hoa và trái non dễ rụng.
  • Độ ẩm đất quá cao: hệ thống rễ cây bị tổn hại và cây trở nên mẫn cảm với sâu bệnh. Nếu gặp mưa nhiều vào thời gian này trái chín chậm và bị nứt. Vì vậy mùa mưa chú ý thoát nước, không để ruộng cà chua ứ đọng nước lâu.

* Chăm sóc:

Cần phải có biện pháp phòng trừ cỏ dại sớm và duy trì cho đến khi cây cà chua có thể cạnh tranh hiệu quả với cỏ dại. Phải phòng trừ cỏ dại trước khi ra hoa. Phòng trừ cỏ dại thông qua các biện pháp như:

  • Biện pháp cơ giới: Nhổ bỏ cỏ bằng tay, bằng cuốc hoặc máy cắt cỏ. Ngoài ra, có thể sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ dại và tránh rửa trôi phân bón.
  • Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc diệt cỏ trước nảy mầm. Lựa chọn thuốc diệt cỏ phù hợp không gây tổn thương đến sự phát triển của cây.

Vun xới: sau trồng 20-25 ngày kết hợp vun xới và bón phân cho cây cà chua để tránh tình trạng đọng nước giữa hàng, bộ rễ phát triển kém.

Loại bỏ cây bệnh, quả bệnh, sâu… mùa mưa tỉa bớt lá chân, lá già đã chuyển vàng để vườn được thông thoáng. Tuy nhiên, mùa khô cần để lá chân để che bớt nắng tránh bị rám quả. Gom lá bệnh tiêu hủy xa vườn trồng hoặc gom tập trung để ủ làm phân hữu cơ.

Tỉa chồi: Cần tỉa kịp thời khi nhánh mới nhú ra 3-5cm để dinh dưỡng tập trung nuôi quả, thường xuyên tỉa bỏ mầm nách vô hiệu. Dùng tay đẩy gãy, không dùng móng tay ngắt hoặc dùng kéo cắt vì dễ nhiễm bệnh qua vết thương.

* Làm giàn:

Làm giàn: Khi cây cao 40-60cm cần làm giàn để giúp cây phân bố đều trên luống, không bị ngã, thuận tiện cho việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Dùng cây chà le cắm dọc hai bên của hàng cà, dùng dây nylon giăng hai hoặc ba tầng tùy giống để cố định cây.

  1. Phòng trừ sâu bệnh:

Một số loại sâu, bệnh hại trên cây cà chua:

* Sâu xanh đục trái (Heliothis armigera): Sâu đục trái làm trái bị rụng, thối trái.

* Sâu khoang (Prodenia litura), sâu xám (Argotis ypsilon): Ăn lá, trái, bông.

* Sâu vẽ bùa (Phyllonistis citpiella): Đục lòn dưới mặt lá làm lá giảm quang hợp, dễ nhiễm bệnh.

* Bọ trĩ, rầy mềm, rầy bông (Thrips spp.): Chích hút nhựa, truyền bệnh virus làm xoăn lá.

=> Biện pháp phòng trị sâu, rầy: phun luân phiên các loại thuốc Thianmectin 0.5ME, Nockthrin, Lannate, Ammate, Silsau super, Polytrin, Regent, Supracide, Admire (Confidor), Oshin, Actara, Amico,…

* Bệnh sương mai (Phytopthora infestans): Vết bệnh có màu xanh, đầu lá, mép lá chuyển màu nâu tối. Bệnh nặng phát tán lây lan qua hoa trái.

* Bệnh đốm nâu: do nấm Cladosporium fulvum. Vết bệnh ban đầu màu vàng nhạt nhỏ, sau chuyển sang màu nâu. Vết bệnh to dần và lan rộng làm cho lá bị khô. Bệnh thường xuất hiện ở những lá già dưới gốc rồi lan lên trên.

* Bệnh đốm vòng do nấm Alternaria solani. Vết bệnh trên lá có hình tròn hay hơi tròn với những vòng tròn đồng tâm giới hạn bởi gân lá. Bệnh nặng phát triển qua bông trái.

* Bệnh nấm hạch: do nấm Rhizoctonia solani. Ở gốc thân có nốt sần sùi vô định hình làm hại mạch dẫn và cây có thể bị chết.

* Bệnh chết héo cây con do nấm Rhizoctonia, Pythium, Fusarium. Vết bệnh xuất hiện ở gốc thân làm cây chết nhanh.

=> Biện pháp phòng trị bệnh: bón phân NPK cân đối, tưới nước hợp lý, phun luân phiên các loại thuốc No Mildew 25 WP, Marthian 90SP, Thane-M 80WP

* Bệnh xoăn lá do virus TMV: Cây lùn, trái nhỏ, lá màu xanh đậm, dày, xoăn dị dạng. Biện pháp phòng trị: Bón phân cân đối, diệt trừ côn trùng môi giới truyền bệnh rầy đen, rầy trắng, bọ trĩ, tiêu huỷ cây bệnh sớm,…

* Bệnh thối đỉnh quả do vi khuẩn Bacterium cycopersicib. Vết bệnh xuất hiện đầu tiên ở đỉnh trái xanh có màu xanh đậm sau đó lan ra đến nửa trái bị thối rụng đi. Biện pháp phòng trị: Bón phân cân đối NPK, không bón phân chuồng tươi, bón đủ vôi.

* Bệnh sinh lý:

  • Thối trái non: Vết bệnh thâm đen từ trong ruột ra ngoài đít trái non, vết bệnh đen lõm, gây rụng trái. Biện pháp phòng trừ: Bón đủ vôi, Bo, tưới đủ nước. Phun acid Boric 0,5-1%, hoặc Food-MX4.
  • Nứt trái: Trên trái chín có đường nứt làm trái dễ rụng, làm mất chất lượng sản phẩm. Biện pháp phòng trừ: Chọn giống trái có vỏ dảy cứng, bón phân và tưới nước đầy đủ, giảm bón phân đạm lúc gần thu hoạch.

Ghi chú: Cần thay đổi thuốc thường xuyên, không phun một loại thuốc liên tiếp nhiều lần. Cần xử lý hạt giống trước khi gieo trồng, luân canh cây trồng hợp lý. Vệ sinh đồng ruộng, tỉa cành gần gốc, cắt bỏ lá già, tàn dư để gốc thông thoáng. Phun thuốc phòng trừ định kỳ. Nhổ bỏ cây bệnh đem đốt, tiêu hủy hoặc đem ra xa đám ruộng, rắc vôi vào chỗ cây mới nhổ.

  1. Thu hoạch:

Khi vỏ quả căng bóng chuyển từ xanh sang màu đỏ là quả đã chín có thể thu hoạch.  Nếu vận chuyển xa và để lâu nên thu hoạch trái cà chua gần chín, lúc này trái chuyển màu từ xanh sang màu trắng (trái già chuẩn bị chín). Nếu vận chuyển gần nên thu hoạch lúc trắng chuyển sang màu đỏ nhạt.

Sau khi thu hoạch nên bảo quản trái nơi khô ráo, thoáng mát. Thu hái quả và xếp vào sọt nhẹ nhàng, tránh dập quả. Để riêng những quả bị bệnh hay bị tổn thương.

Leave a Reply

Your email address will not be published.