KỸ THUẬT TRỒNG BẦU

  1. Thời vụ:

Bầu có thể trồng và thu hoạch quanh năm (khu vực ĐBSCL và  Đông Nam Bộ).

Riêng ở miền Bắc và Miền Trung vẫn có thể trồng quanh năm, chính vụ gieo hạt tháng 2, 3 và 11, 12. Tuy nhiên, nếu cây bầu ra hoa lúc nắng to hoặc rét đậm sẽ khó đậu quả, sâu bệnh phát triển mạnh ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng.

Vì vậy, việc trồng bầu đúng thời vụ, điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao nhất.

  1. Đất trồng:

Bầu là loại cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất vẫn là những loại đất tơi xốp, phì nhiêu và độ pH nằm trong khoảng 6 – 7 như đất phù sa, đất mùn. Đất trồng phải cày bừa tơi xốp, sạch cỏ. Mùa nắng nên lên líp thấp, còn mùa mưa phải lên líp cao và có rãnh thoát nước tốt.

Sau khi bón vôi 10-15 ngày thì tiến hành bón lót, lên luống và phủ bạt.

Trồng hàng đơn, khoảng cách:    Hàng x Hàng :2,0 – 2,5 m

Cây x Cây : 0,5 – 0,6 m.

Mật độ trung bình khoảng 750 – 850 cây/1.000 m2.

  1. Xử lý hạt giống & gieo hạt:

Trước khi ngâm hạt giống, cần phải phơi nắng nhẹ khoảng 2 giờ để hạt khô, hút nước mạnh, nảy mầm tốt.

Cho hạt vào túi vải hoặc túi lưới, ngâm trong nước sạch (2 sôi 3 lạnh) từ 8-10 giờ (nên để hạt chìm hoàn toàn trong nước).

Vớt hạt ra đem ủ vào khăn ẩm (khăn nhúng nước ấm vắt ráo). Chú ý khi ủ hạt nên trải dàn đều cho khăn tiếp xúc với hạt càng nhiều càng tốt, rồi gấp khăn lại (không dồn thành cục). Cuối cùng cho khăn vào bao nylon rồi cột miệng cho kín tránh bốc thoát hơi nước, ủ hạt ở nhiệt độ từ 280C – 300C là thích hợp nhất. Thông thường hạt bắt đầu nảy mầm khoảng 40-50 giờ sau khi ủ (lưu ý: đối với thời tiết lạnh thời gian nảy mầm của hạt sẽ kéo dài hơn).

Hạt bắt đầu nảy mầm nên tiến hành gieo ngay. Tùy theo thời vụ mà ta có thể gieo thẳng ngoài đồng hoặc gieo vô bầu, mỗi bầu gieo 1 hạt.

  • Vào mùa nắng nên gieo thẳng ngoài đồng để đỡ tốn công vô bầu. Tuy nhiên luống trồng ngoài đồng phải chuẩn bị thật tốt, nhất là lỗ gieo phải tơi xốp và xử lý thuốc phòng trừ côn trùng và bệnh hại đầy đủ, tưới nước định kỳ đủ ẩm để cây phát triển tốt.
  • Vào mùa mưa nên gieo vô bầu bằng lá chuối hoặc bằng bao nylon nhỏ (bầu có đục một số lỗ để thoát nước) phòng mưa nhiều ta có thể dùng giàn che mưa, hạn chế thừa nước bị thối mầm.

Đối với ươm hạt trong bầu, khi cây con ra được 1-2 lá thật là có thể mang ra trồng.

  1. Bón phân:

Loại phân  bón và liều lượng tùy theo loại đất và điều kiện thời tiết từng vùng. Dưới đây là lượng phân bón tham khảo cho 1.000m2:

Cần bón vôi xử lý đất từ 10-15 ngày trước khi trồng + Basudin 10G  giúp cải thiện pH đất và ngăn ngừa một số loại côn trùng có hại.

+ Bón lót: 2-3 tấn phân chuồng hoai mục , 30-50 kg super lân, 10 kg Nitrophoska (15-15-15), 10 kg KCl.

+ Tưới dặm 7 ngày sau gieo (NSG): pha loãng 1kg DAP  với 500 lít nước tưới mỗi gốc 0,1 lít, ngoài ra tưới thêm các loại hữu cơ vi sinh hoặc đạm cá giúp cây sinh trưởng tốt.

+ Bón thúc sinh trưởng: 15, 25 và 40 ngày sau gieo bón 2.2 kg Ure + 4 kg 16-16-8 + 2 kg DAP + 1.5 kg KCl có thể phun thêm phân bón lá như Boom Flower, F95..  giúp cây phân nhánh và ra hoa đậu trái.

+ Bón thúc giai đoạn nuôi trái: 52, 65, 80 ngày sau gieo 2 kg Ure + 4 kg 16-16-8 + 1.5 kg KCl, phun thêm các loại phân bón lá nuôi trái như Amino, fulvic lớn trái…

***Lưu ý:

+ Bón phân xa dần gốc theo độ tuổi của cây để cây dễ hấp thu, tăng hiệu quả phân bón.

+ Trồng mùa nắng có thể sử dụng thêm một số loại phân vi lượng như: MgSO4 (2kg), MnSO4 (4kg), Borax (1,5kg) cho 1000m2 bón lót vào trong đất hoặc dùng Magnisal Botrac… phun qua lá.

* Chú ý: Không nên bón phân mất cân đối, nếu bón thừa đạm cây sẽ nhiều lá và ít quả hoặc không ra quả. Xử lý bằng cách tỉa bớt lá, cành nhánh và kết hợp phun siêu kali + 5ml Anvil.

  1. Chăm sóc

Làm giàn cho cây leo: Kích thước giàn tùy thuộc vào không gian từng ruộng trồng, cũng như thuận tiện cho việc chăm sóc. Có thể sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như dây thép, dây thừng, tre, lưới, sắt,… nhưng ưu tiên sử dụng tre vì khi nắng nóng sẽ không gây tổn thương dây bầu.

Tỉa nhánh (chèo): tỉa bỏ toàn bộ nhánh dưới mắt lá thứ 4.

Bắt nhánh (Chèo): khi cây ra nhánh nên bắt đều lên lưới theo dạng xương cá để tận dụng không gian của giàn để phòng trừ sâu bệnh hại sau này và tăng khả năng đậu trái.

  • Các dây nhánh ở đoạn thân từ gốc lên đến giàn nên tỉa bỏ để gốc được thoáng. Khi bầu leo lên giàn, không nên tỉa để dây nhánh cho trái. Khi đã lấy được trái trên nhánh thì nên bấm ngọn để trái phát triển lớn và bầu tiếp tục cho trái ở dây nhánh khác.
  • Cần thường xuyên theo dõi cây để sớm phát hiện các vấn đề về sâu bệnh hại và có biện pháp xử lý kịp thời.
  1. Phòng trừ sâu bệnh hại:

Bầu thường gặp một số sâu bệnh hại trong quá trình phát triển và ra trái như bệnh virus, côn trùng chích hút, ruồi đục lá, bệnh nứt thân xì mủ, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng,… cần theo dõi thường xuyên và có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu trường hợp bị nặng thì nên nhổ bỏ triệt để, tránh lây lan sang các cây khác.

Côn trùng gây hại:

  • Nhóm ăn tạp:gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Nên phun luân phiên các loại thuốc như:  Regent, Secure, Lannate, Ammate, Silsau super,  Takumi,… phun vào mặt dưới lá lúc chiều mát.
  • Nhóm chích hút (bọ trĩ, rầy, rệp…): hút nhựa cây và lây truyền bệnh virus. Mọi người nên phun luân phiên các loại thuốc sau:  Thianmectin 0.5 ME, Pesta 5SL, Actara, Regent, Lannate, Admire, Oncol, Oshine, Sakura,… Phun vào mặt dưới lá và ngọn  cây.
  • Ruồi đục lá: gây hại rất mạnh khi thời tiết khô trong mùa nắng. Phun luân phiên các loại thuốc sau:  Vertimec, Trigard, Regent, Lannate, …
  • Ruồi đục trái: Phun luân phiên các loại thuốc sau: Polytrin, Fastac, Permethrine, Vizubon (làm bẫy dẫn dụ).

Bệnh hại:

  • Bệnh nứt thân xì mủ:Bệnh xuất hiện giai đoạn mưa nhiều nên phun luân phiên các loại thuốc sau:  Thane M 80WP, Kasurane, Benlat C, Cuzate, Ridomil, Topsin-M, Mancozeb, Copper, Validamycine, Rovral,… phun kỹ vào gốc, thân cây kết hợp bón phân cân đối.
  • Bệnh thán thư: Bệnh gây hại mạnh trong mùa mưa, phun luân phiên các loại thuốc sau: Antracol, Topsin, Score, Bavistin, Ridomil, Daconil, Champion,…
  • Đốm lá, rỉ sắt:Thane M 80WP, Bavisan 50WP, Forwanil, …
  • Bệnh phấn trắng: Bệnh thường xuất hiện lúc có ẩm độ cao và nhiệt độ khoảng 22 – 27oC, gây hại mạnh ở các vùng cao có sương nhiều. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc sau để phòng trị: Manage, Daconil, Dithane M-45, Suloc, Anvil, Titl super, Danjiry, Dithane M45 + Topsin,… phun lên 2 mặt lá (lá già và lá bánh tẻ).
  • Thối cổ rễ (chết cây con): dùng No Mildew 25WP, hoặc vi sinh Bảo Đắc tưới rễ.

Lưu ý: Khi phun thuốc nên phun kỹ mặt dưới lá, thuốc trị bệnh nên phun ở lá già và lá bánh tẻ, thuốc trị sâu tập trung phun lá bánh tẻ và lá non.

  1. Thu hoạch:

Nên cắt trái khi vỏ còn mềm, trái thon dài, hạt bên trong vừa tượng. Không nên để trái già, vỏ hạt bên trong đã cứng, ăn sẽ kém ngon và cây mau tàn. Thời gian thu hoạch khoảng 50-55 ngày sau khi gieo tùy từng loại. Năng suất trung bình khoảng 12-15 kg/ cây. Nếu chăm sóc tốt thì cây có thể cho trái kéo dài 2-3 tháng.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.