QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG DƯA HẤU

  1. Thời vụ:

Dưa hấu có thể trồng được quanh năm, tuy nhiên hạn chế trồng vào mùa mưa ở miền trung (tháng 8 – 11) và mùa đông lạnh ở miền bắc (từ tháng 11,12 đến tháng 1 năm sau).

  1. Đất trồng:
  • Trồng dưa hấu cần chọn đất thoát nước tốt, cơ cấu nhẹ, tầng canh tác sâu, không quá phèn.
  • Đất trồng phải được luân canh ít nhất từ 1-3 vụ với cây lúa nước hoặc các cây trồng không thuộc họ bầu bí để tránh lây bệnh.
  • Làm sạch cỏ, lên luống thoát nước, bón 30 – 50 kg vôi/1.000m2. Sau khi bón vôi 10 – 15 ngày thì tiến hành bón lót, lên luống kết hợp với phủ bạt.
  • Làm luống: Luống đôi rộng 4,8 – 5m hoặc làm luống đơn rộng 2.5 – 3 m, mặt luống cao 0,25 – 0,3 m.
  • Khoảng cách trồng: Cây cách cây 0.35-0.45m, mật độ trồng 1000 – 1100 cây/ 1000m2.
  1. Xử lý hạt giống và gieo hạt:
  • Để hạt nảy mầm nhanh và đều nên ngâm ủ hạt trước khi gieo. Ngâm hạt vào nước ấm (2 sôi + 3 lạnh) trong 8-10 giờ rồi vớt ra, rửa sạch nhớt, để ráo, gói vào khăn sạch, ủ ấm 28 – 30 giờ , thấy hạt nứt nanh thì mang đi gieo (chú ý nếu thời tiết nóng cần để gói hạt ở chỗ mát, nếu thời tiết lạnh cần được giữ ấm ở nhiệt độ 28-320C).
  • Có thể gieo trực tiếp hoặc gieo vào bầu ươm. Nếu gieo vào bầu, khi cây con có được lá thật đầu tiên thì trồng ra ruộng (sau khi gieo 8-10 ngày).
  • Lượng hạt cần cho 1000m2: 40 – 60 gam (tùy theo kích thước hạt).
  1. Bón phân:

Tùy thuộc vào điều kiện  đất đai và mùa vụ trồng để lựa chọn loại phân và liều lượng bón cho thích hợp. Dưới đây là lượng phân bón tham khảo cho 1000m2:

  • Bón lót: 10-15 kg Lân đơn, 70 – 80 kg phân NPK 20-20-15 kết hợp với 1-2 tấn phân hữu cơ hoai mục hoặc các loại phân hữu cơ vi sinh theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.
  • Bón thúc 1: sau khi trồng 20 – 25 ngày, bón 30 kg NPK 16-16-8 hoặc 13-13-13.
  • Bón thúc 2: sau khi trồng 35-40 ngày, bón 20 kg NPK 16-16-8 hoặc 13-13-13.
  • Sau chọn trái 5 ngày nên bổ sung thêm 8-10kg Kali/1000m2 để chắc trái và tăng độ ngọt.

Chú ý: Không sử dụng phân bón lá có chứa đạm ở giai đoạn nuôi trái.

  1. Chăm sóc:

Tưới nước

  • Trong 2 tuần đầu sau khi trồng: bộ rễ còn nhỏ, rễ ăn cạn nên dùng thùng búp sen để tưới (giống như tưới nước dặm).
  • Sau 2 tuần: Có thể tưới tràn vào rãnh, để đất đủ ẩm, sau đó phải tháo ngay, giữ mực nước trong rãnh cách mặt liếp 30 cm là tốt nhất, thường 5-7 ngày mới tưới một lần. Khi dưa có quả cần tưới đều đặn, không tưới ồ ạt tránh làm nứt quả. Trước khi thu hoạch 5 ngày ngừng tưới nước.
  • Sửa dây: Khoảng 20-25 ngày sau khi trồng thì tiến hành sửa và cố định vị trí bò của dây bằng cách lấy que tre ghim dây vào sát mặt đất để gió không làm lật dây. Giữ cho các dây bò song song khắp mặt liếp theo thứ tự, không quấn chồng lên nhau làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây, là nơi trú ngụ của nhiều sâu bệnh hại và gây khó khăn trong việc tuyển trái.

Tỉa nhánh và chọn trái

  • Cách 1: Tỉa bớt nhánh bên, mỗi cây chỉ để lại 1 thân chính và 2 nhánh bên, cố định dây bò ngay thẳng trên luống. Mỗi gốc giữ 2 trái.
  • Cách 2: Để 1 thân chính và 1 nhánh phụ, tỉa toàn bộ nhánh trên thân chính và trên nhánh. Mỗi gốc dưa chỉ chọn giữ lấy 1 trái.
  • Cách 3: Bấm ngọn để 2 nhánh đều nhau, tỉa toàn bộ nhánh trên 2 dây. Lấy trái trên 1 trong 2 dây.

Có thể chọn lấy trái thứ 2 hoặc 3 phụ thuộc điều kiện thời tiết và chế độ chăm sóc.

  1. Phòng trừ sâu bệnh:

Để phòng trừ sâu bệnh hại cần chú ý bón phân đầy đủ và cân đối, trồng với mật độ vừa phải, vệ sinh đồng ruộng cho thông thoáng, làm đất tơi xốp, thoát nước tốt, kịp thời cắt bỏ và tiêu hủy phần cây bị bệnh để tránh lây lan.

  • Sâu xanh, sâu khoang, sâu vẽ bùa: Cần phòng ngừa bằng cách dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng từ vụ trước, khi phát hiện trên ruộng có sâu hại sử dụng các loại thuốc như: Abatin, Map Winer, Marshal Trigard, Voliam Targo… Dùng luân phiên các loại thuốc để tránh kháng thuốc, không nên pha trộn nhiều thuốc để phun.
  • Bọ trĩ: chích hút truyền bệnh, thường xuất hiện nhiều trong mùa nắng, nên kiểm tra những cây bị nhiễm (xoăn và vàng lá ngọn) để nhổ bỏ định kỳ tránh lây lan cho những cây khác, phun các loại thuốc: Supracide, Admire (Confidor), Actara, Regent, Sakura,….
  • Bệnh héo xanh vi khuẩn (chạy dây):

+ Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas spp gây ra, để xác định chính xác là do vi khuẩn, khi cắt ngang phần thân gần mặt đất, nhúng vào ly nước trong, quan sát sẽ thấy dòng dịch vi khuẩn trắng như sữa chảy ra. Bệnh thường xảy ra khi cây bắt đầu ra hoa hoặc có trái nhỏ. Bệnh biểu hiện là cây héo rũ khi trưa nắng, chiều tỉnh lại vài ngày sau thì cây chết.

+ Cách phòng trừ: Áp dụng từ giai đoạn xử lý đất bằng: Kasuran 47WP, Kasumin 2SL, COC 85WP, Aliette 800WG, Avalon 8WG, Chapion, Đồng Đỏ…. và sau khi trồng cây nên tưới định kỳ 2-3 tuần/1 lần với một trong các loại thuốc trên.

  • Bệnh nứt thân xì mủ:

+ Bệnh do nấm Mycosphaerella melonis gây ra, bệnh thường xuất hiện trên lá già và lá bánh tẻ hoặc trên thân. Nếu không phòng trừ kịp thời có thể làm chết dây hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Cần kiểm tra  ruộng dưa thường xuyên và phòng trị kịp thời.

+ Cách phòng trừ: chú ý phun phòng bằng các loại thuốc như : Dithane M45, Amista, Topsin , Revus opti, Score…

  • Bệnh thán thư:

+ Bệnh do nấm Colletotrichum lagenarium gây ra, phát triển mạnh trong mùa mưa hoặc những thời điểm có độ ẩm cao. Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn sau khi chọn trái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

+ Cách phòng trừ: Dùng luân phiên các loại thuốc trừ nấm như Ridomil Gold, Score, Amistar, Carbendazim, Ringo –L,…

  • Bệnh sương mai:

+ Bệnh gây ra do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra. Xuất hiện nhiều trong mùa mưa, ruộng thoát nước kém, bón thừa phân đạm. Biểu hiện trên lá là lúc đầu có màu xanh nhạt, sau đó chuyển thành màu vàng rồi thành màu nâu nhạt, hình góc cạnh. Trong điều kiện ẩm ướt phía dưới có xuất hiện sợi nấm trắng rất rõ, lá bị bệnh thường co lại và rất giòn.

+ Cách phòng trừ bằng một trong các loại thuốc: Mataxyl 500wp, Ridomil Gold, Amistar, Revus opti, Flint pro, Antracol, Nativo, ….

  1. Thu Hoạch:

Tùy theo vụ gieo trồng, đặc tính giống mà thời gian từ lúc gieo đến thu hoạch sẽ khác nhau. Thường vụ Đông Xuân là khoảng 65 – 70 ngày và vụ Hè là 50 – 55 ngày.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.