KỸ THUẬT TRỒNG MƯỚP HƯƠNG

  1. Thời vụ:

Mướp có thể trồng quanh năm. Ở miền Nam: vụ chính Đông Xuân, Xuân Hè. Ở miền Trung: vụ chính từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Trồng vào mùa mưa nên làm giàn để cho mướp leo tránh trái bị thối do tiếp xúc với đất ẩm.

  1. Đất trồng:

Đất thịt pha cát là tốt nhất, vùng đất phải được thoát nước tốt, độ pH thích hợp từ 6-6,5, nếu pH < 6 phải tăng lượng vôi bón cho đất, vụ trước không trồng các cây thuộc họ bầu bí (dưa leo, dưa hấu, bí rợ,…).

Đất phải được làm sạch cỏ, rải vôi, phân chuồng và thuốc Furadan sau đó cày xới tơi xốp rồi trải bạt. Mùa nắng nên lên líp chìm (thấp), còn mùa mưa phải được lên líp cao và có rãnh thoát nước tốt.

Trồng leo giàn hàng đơn hoặc hàng đôi

* Hàng đơn                                                                * Hàng đôi

– Hàng x  hàng: 1,6-1,8 m                               – Hàng x  hàng: 2,8-3,0 m

– Cây  x  cây: 0,5-0,6 m                                – Cây  x  cây: 0,5-0,6 m

– Mật độ: 900-1.200 cây/1000 m2                  – Mật độ: 1.100-1.400 cây/1000 m2

  1. Xử lý hạt giống & gieo hạt:
  • Trước khi ngâm hạt giống, cần phải phơi nắng nhẹ khoảng 2 giờ để hạt khô, hút nước mạnh, nảy mầm tốt. Dùng kéo hoặc kềm bấm móng cắt mép hạt sao cho thủng phần vỏ ngoài của hạt nhưng không tổn thương phần bên trong của hạt.
  • Cho hạt vào túi vải (túi lưới) ngâm trong nước sạch (2 sôi 3 lạnh) từ 4-6 giờ (nên để hạt chìm hoàn toàn trong nước).
  • Vớt hạt lên để ráo nước, mang đi gieo hoặc dùng khăn sạch vắt thật ráo nước, gói hạt giống lại ủ.
  • Sau đó cho khăn vào bao nilon rồi cột miệng cho kín tránh bốc thoát hơi nước, ủ hạt ở nhiệt độ từ 280C – 300C là thích hợp nhất. Thông thường hạt bắt đầu nảy mầm khoảng 20-36 giờ sau khi ủ.
  • Hạt mướp bắt đầu nảy mầm nên tiến hành gieo ngay. Tùy theo thời vụ mà ta có thể gieo thẳng ngoài đồng hoặc gieo vô bầu.
  • Vào mùa nắng nên gieo thẳng ngoài đồng để cây phát triển mạnh hơn và đỡ tốn công vô bầu. Tuy nhiên luống trồng ngoài đồng phải chuẩn bị thật tốt, nhất là lỗ gieo phải tơi xốp và xử lý thuốc phòng trừ sâu bệnh đầy đủ và tưới nước định kỳ đủ ẩm để cây phát triển tốt.
  • Vào mùa mưa nên gieo vô bầu bằng lá chuối hoặc bằng bao nilon nhỏ (bầu có đục lỗ để thoát nước), mưa nhiều ta có thể dùng giàn che mưa, hạn chế úng nước hạt sẽ bị thối mầm.
  • Đất vô bầu ở vùng đất cát pha thịt nên trộn theo tỷ lệ như sau: 68,5-69,3 % đất mặt, 30 % phân chuồng hoai, 0,5 – 1 % lân và 0,2 – 0,5 % vôi nông nghiệp. Sau khi trộn đều nên sàng qua một lượt để loại bỏ cục đất to và rác. Nếu vùng đất đồng bằng Sông Cửu Long (có nhiều sét) thì thêm 10 – 20 % tro trấu, giảm 10 – 20 % đất mặt. Nên trộn thêm phân vi sinh ra rễ giúp cây phát triển tốt và ngừa chết cây con. Ngoài ra, đất cho vào bầu có thể theo tỉ lệ 1 phần phân chuồng hoai + 1 phần tro trấu + 2 phần đất tơi xốp, trộn thêm phân vi sinh ra rễ.
  • Gieo một hạt nảy mầm vào một bầu hoặc gieo thẳng ngoài đồng 1 hạt/1 hốc và cần phải gieo thêm một lượng bầu cây con dự phòng trồng dặm (thông thường theo tỷ lệ 10 – 15% tổng số cây ngoài đồng).

Cách gieo:

  • Dùng tay ấn 1 lỗ giữa mặt bầu hoặc trên mặt líp với đường kính 2 cm và sâu 1,5-2 cm.
  • Đặt hạt giống có đầu rễ mầm hướng thẳng xuống đất sau đó lấp một lớp đất mỏng (mùn dừa đã được xử lý hoặc 50% đất mặt + 50% phân chuồng hoai).
  • Rải trên mặt từ 20 – 30 hạt thuốc trừ sâu Basudin hoặc Furadan để phòng trừ sâu, kiến, mối.
  • Cuối cùng tưới đủ ẩm tại vị trí gieo hạt để cây mầm phát triển tốt.

Thông thường, cây trong bầu vừa nhú lá thật là bắt đầu đem trồng ngay ngoài đồng, nếu chậm trễ bộ rễ ăn lan ra ngoài bầu khi đem trồng cây đứt nhiều rễ làm cây lên yếu và dễ chết.

Chú ý: Sau khi xuống giống được 7 – 8 ngày nên sử dụng phân vi sinh ra rễ giúp cho bộ rễ phát triển mạnh, đồng thời tăng khả năng kháng bệnh cho cây giai đoạn sau.

  1. Bón phân:

Tùy vào từng vùng cũng như chất đất mà ta có công thức phân và liều lượng bón khác nhau. Dưới đây là công thức bón phân cho 1000m2 ở khu vực Miền Tây các bạn có thể tham khảo.

Bón lót:

– Vôi: 40-50 kg.

– Phân chuồng hoai: 2-3 m3.

– Phân lân: 30-50 kg.

– NPK 20-20-15: 20-30 kg.

– KCl: 8-10kg.

– Furadan hạt rải theo hàng: 3 kg.

Bón thúc:

– Tưới dặm: 9-10 ngày sau gieo (NSG): pha loãng 1kg DAP cho 400 – 500 lít nước tưới ướt đều quanh gốc.

– Bón thúc lần 1 và 2 (20 và 30 NSG): 1 kg Urê + 15-20 kg NPK 20-20-15 + 3 kg DAP kết hợp cày lấp phân và diệt cỏ quanh gốc.

– Bón thúc lần 3, 4 và 5 (40, 50 và 60 NSG): 2 kg Urê + 8-10 kg NPK 20-20-15 + 4kg KCl kết hợp cày lấp phân và diệt cỏ quanh gốc.

* Lưu ý:

– Phải bón vôi lúc cày bừa để xử lý đất, trước khi trồng 7 – 10 ngày trở lên.

– Bón phân xa dần gốc theo tuổi cây, bón sâu 6-7 cm để tăng hiệu quả phân bón.

– Các lần bón phân nên kết hợp làm cỏ để hạn chế thất thoát phân bón.

– Khi cây cho trái rộ, nên xịt bổ sung phân bón lá để tăng khả năng nuôi trái của cây.

– Nếu trồng trong mùa nắng nên sử dụng thêm một số phân vi lượng sau: MgSO4 (2kg), MnSO4 (4kg), Borax (1,5kg) /1.000m2 bón lót vào trong đất hoặc dùng Magnisal, Botrac… phun qua lá.

  1. Chăm sóc:
  • Tưới nước

Dẫn nước vào mương tưới thấm, mướp rất sợ úng nước, mương tưới bị đọng nước lâu quá 10 giờ phải khai thông thoát nước. Do đó đất cần phải được thoát nước tốt. Tưới nước đều đặn theo chu kỳ tùy theo độ bốc thoát hơi nước và độ ẩm của đất.

  • Chăm sóc và làm giàn:
  • Khi cây ra khoảng 4-6 lá thật thì cần tiến hành bấm ngọn, sau đó để chèo phát triển tự do. Việc bấm ngọn sẽ thúc cây ra nhiều nhánh, tạo năng suất cao hơn.
  • Thường xuyên làm sạch cỏ ở gốc cây, cắt bỏ những lá già ở phía dưới để tạo độ thông thoáng cho ruộng.
  • Làm giàn chữ A, chữ X hay chữ U tùy từng ruộng sao cho cây có không gian thông thoáng, tránh 1 số bệnh, quả phát triển đều và dễ dàng thu hoạch. Dùng trụ tre hoặc sắt cắm 1 hàng giữa mương, bắt thêm 2 cây chéo để tạo hình mái nhà, sau đó căng lưới lên trên. Bắt ngọn mướp cho bò lên lưới.
  1. Phòng trừ sâu bệnh:

* Chuột: Cắn phá hạt lúc gieo. Biện pháp phòng trừ: Thuốc chuột Phosphua kẽm, Clerat, bẫy hoặc sau khi gieo nên phun thuốc trừ sâu có mùi hôi làm chuột không dám đến gần.

* Dế, sâu đất, sùng đất: Ăn đứt rễ mầm, đọt non, cây non. Phòng trừ bằng cách rải Basudin vào đất 10 – 15 kg/ha hoặc 20 – 30 hạt Basudin/hốc sau khi gieo.

* Sâu vẽ bùa (ruồi đục lá): Sâu đục lòn dưới lớp biểu bì làm lá dễ bị khô cháy, nhiễm bệnh dẫn đến giảm năng suất. Gây hại rất mạnh trong mùa nắng khi thời tiết khô. Phun luân phiên các loại thuốc sau: Thianmectin 0.5 ME, Trigard, Regent, Vertimec, Lannate, Peran,…

* Sâu xanh, sâu khoang, sâu ăn tạp: Gây hại suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, cắn phá lá non, ngọn non, hoa, trái. Khi mật độ sâu thấp có thể bắt bằng tay nhưng khi mật độ sâu cao nên phun luân phiên các loại thuốc sau vào lúc chiều mát: Peran, Thianmectin 0.5 ME, Silsau, Secure, Match, Takumi, Prevathon, Proclaim, Lannate, Ammate, Silsau super, Polytrin, Regent,…

* Bọ trĩ, rầy mềm, rầy bông: Chích hút nhựa đọt non, lá non và truyền bệnh virus làm cây kém phát triển dẫn đến năng suất kém. Kiểm tra ruộng thường xuyên để nhổ bỏ và tiêu hủy cây nhiễm virus kịp thời tránh lây lan cho cây khỏe. Phun phòng trừ các tác nhân truyền bệnh bằng cách luân phiên các loại thuốc Confidor, Actara, Regent, Oncol, Decis, Supracide, Oshin, Amico,… ở mặt dưới lá và ngọn non.

* Rầy trắng, rầy xanh: Chích hút nhựa, truyền bệnh virus làm cây không phát triển. Biện pháp phòng trừ sử dụng Mospilan, Oncol, Thianmectin 0.5 ME + Dầu khoáng.

* Bệnh thối cổ rễ: Vết bệnh xuất hiện tiếp giáp với mặt đất giữa rễ và thân. Phòng trừ bằng thuốc No Mildew 25 WP, Bảo Đắc tưới rễ, Marthian 90 SP,…

* Cháy lá, đốm lá: Trên lá xuất hiện những đốm bệnh màu nâu đến màu xám. Biện pháp phòng trừ: Than M 80WP, hoặc Bavisan 50 WP + No Mildew 25WP.

* Thán thư và đốm lá: Các đốm bệnh xuất hiện trên lá già, nếu bệnh nặng có thể lây lan qua trái. Sử dụng Marthian 90 SP, No Mildew 25 WP, Thane M 80WP,…

* Sương mai: Đốm bệnh xuất hiện trên lá khi ẩm độ không khí cao, nếu bị nặng có thể thất thu năng suất, phòng trừ bằng cách phun Thane M 80WP, Amikta,…

* Bệnh héo xanh: Khi ẩm độ đất cao, nấm bệnh dễ xâm nhập vào rễ, làm cho cây chết héo đột ngột. Biện pháp: Trồng trên đất thoát nước tốt, phun thuốc Marthian 90 SP,…

  1. Thu hoạch:

Thường khoảng 40-45 ngày sau khi gieo có thể bắt đầu thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt, thời gian thu hoạch có thể kéo dài khoảng 30-40 ngày. Thu hoạch khi trái còn non, hạt mới tượng, không thu trái già vì lúc này hạt to ăn bị xơ và nhạt sẽ không bán được, xếp nhẹ nhàng trái vào giỏ tránh bị xây xát và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.